Bạn có biết?
Ở Nhật Bản, các bà mẹ tương lai được sống trong những ngôi nhà chung đặc biệt tại những nơi có phong cảnh đẹp. Ở đó mẹ và đứa trẻ sắp ra đời được những người phụ nữ có chuyên môn bồi dưỡng về thẩm mĩ và âm nhạc.
Ở một số nước châu Phi từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay người ta vẫn cho phụ nữ mang thai tập những vũ điệu chuyên dụng và các bài vận động nhịp nhàng.
Đứa con, sự truyền thừa nối dõi tông đường, kéo dài thêm ước mơ của cuộc đời hữu hạn với bao hy vọng. Xây dựng một “lộ trình” suôn sẻ cho sự truyền nhân đó là mong mỏi của các bậc cha mẹ, vì ai cũng muốn trao cho con mình những điều tốt lành nhất ngay từ khi con còn trong dạ.
Trong bề dày lịch sử mấy ngàn năm hình thành và phát triển của y học cổ truyền, phương pháp giáo dưỡng thai nhi xuất hiện từ đời nhà Hán (Trung Quốc). Thái Sử Công trong Sử Ký đã viết: “Hoàng hậu có thai, mắt không nhìn màu sắc xấu xí, tai không nghe lời tục tĩu, miệng không nói những câu ngạo mạn ”.
Người Việt xưa, khi một người phụ nữ có mang muốn con mình sinh ra xinh đẹp cũng thường ngắm nhìn trẻ con dễ thương, chiêm ngưỡng hình Phật Bà, Tiên nữ tô vẽ trong chùa, những cảnh đẹp, tranh đẹp, hình ảnh những người mẹ yêu thương con. Chúng ta hẳn cũng không xa lạ với bộ tượng đầy tính tâm linh nổi tiếng, gồm có 3 con khỉ, một con tự bịt miệng: không ác khẩu; một con tự bịt tai: không nghe ác ngữ; và một con tự bịt mắt: không nhìn những điều xấu xa. Đó là 3 điều cơ bản mà một người muốn có cuộc đời lành cần phải thực hiện, cho mình và cả cho con cháu.
Hình tượng 3 con khỉ màu xanh bằng đá
Ai cũng biết, muốn thành nhân – thành đạt, con người cần phải học hỏi không ngừng. Muốn học hỏi đạt hiệu quả tối ưu, ta cần có được những “dụng cụ học tập” càng “xịn” càng tốt. Tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta 5 giác quan – 5 “ dụng cụ” chính để ta học mọi điều từ môi trường sống – trong đó thị giác có nhiệm vụ tiếp nhận và “phiên dịch” thông tin từ ánh sáng đi vào mắt, gọi nôm na là “nhiệm vụ NHÌN ”.
Thâm sâu hơn chút nữa, thực hiện thai giáo thị giác cũng là cách mẹ đang hành trì một pháp TU cho con đấy!
Thế nào là thai giáo thông qua thị giác?
Thị giác của thai nhi phát triển chậm hơn các giác quan khác, vì môi trường trong tử cung của người mẹ không thích hợp cho thai nhi mở mắt. Tuy nhiên mắt của thai nhi không phải hoàn toàn không nhìn thấy gì. Từ 4 tháng tuổi thai nhi đã rất mẫn cảm với ánh sáng. Khi người mẹ tắm nắng, thai nhi đã có thể cảm nhận được sự mạnh yếu của ánh sáng chiếu qua bụng người mẹ!
Từ tháng thứ 7, thai nhi đã cảm nhận tốt ánh sáng dù hai mắt vẫn nhắm tít. Thời điểm này, mẹ đi dạo ngoài trời, nói chuyện với bé, tập thể dục cho bé và liên tưởng tới các vẻ đẹp thiên nhiên. Mẹ có thể vén bụng để ánh sáng mặt trời rọi vào bụng.
Một số bài tập mẹ cần làm thường xuyên để giúp thai nhi phát triển thị giác như Tắm nắng cho bụng bầu. Chọn nơi không khí trong lành, thoáng mát vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm khi ánh nắng đã dịu nhẹ. Mẹ nằm trên thảm hoặc ghế tựa lưng cho ánh sáng được chiếu trên bụng bầu khoảng 15 – 20 phút. Qua đó thị giác của thai nhi sẽ được thưởng thức ánh sáng trong lành từ thiên nhiên.
Mẹ cũng thường xuyên Ngắm cảnh đẹp như ánh mặt trời lúc rạng đông, ráng chiều buổi hoàng hôn, cây xanh, hoa tươi, sơn thủy hữu tình, vườn cảnh. Những khung cảnh đẹp trong các buổi trình diễn nghệ thuật như ca múa nhạc, phim hoạt hình trẻ em, kịch tươi vui nhẹ nhàng. Hay gần gũi hơn là thấy nhà cửa được gọn gàng sạch sẽ để trong lòng thư thái, yêu đời, rất có lợi cho tâm tính của trẻ sau này.
Ngắm hình ảnh đẹp bằng cách treo nhiều tranh, ảnh các em bé dễ thương, tranh phong cảnh, hình những người tôn quý là Phật, Chúa, thiên thần… trong phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách nơi thường xuyên sinh hoạt, dễ thấy. Tránh nhìn những gì xấu xa, hung bạo, quái gở.
Ngắm người đẹp, ngắm những đứa trẻ đáng yêu, những người mình thương mến, trân trọng, tôn kính.
Nhưng dễ dàng và thường xuyên nhất là…Ngắm mình đẹp. Người mẹ trang điểm nhẹ, ăn mặc thanh lịch trang nhã để tự tin với hình ảnh của mình. Khi người mẹ soi gương và cảm thấy hài lòng về hình ảnh bản thân sẽ liên tưởng tới hình ảnh đẹp của bé trong tương lai.
Mẹ tránh cho con
Từ rất lâu, các nghiên cứu khoa học đã khuyến cáo nghiêm khắc sự ảnh hưởng của màn hình của ti vi về độ phát xạ dòng điện tử tốc độ cao và tia X tuy rất yếu. Cần lưu ý nhất là ảnh hưởng của tia X, ảnh hưởng của ánh sáng thay đổi đột ngột với thai nhi.
Về tâm lý, những màu sắc – hình ảnh xấu, bạo lực, lòe loẹt, lộn xộn. . sẽ gây cho mẹ cảm xúc tương ứng: bất an, lo lắng, buồn rầu, rối rắm. Những cảm xúc này, con sẽ ‘lãnh đủ’ vì mẹ nuôi con trực tiếp bằng máu. Sâu xa hơn nữa, các hiệu ứng hình ảnh xấu như vậy sẽ gieo vào tâm thức của con những ‘hạt mầm’ xấu cả về xu hướng phát triển tính cách lẫn gu thẩm mỹ sau này.
Mẹ khỏe cho con
Giống như âm nhạc, màu sắc có một sức mạnh huyền bí, có thể truyền đạt tình cảm và tác động đến suy nghĩ và hành động của con người. Với màu sắc, ta thể hiện cảm xúc và tâm hồn của mình một cách chính xác nhất mà không cần dùng đến ngôn ngữ lời nói, cử chỉ hay bất cứ một công cụ nào khác.
Mẹ và bé có thể được khỏe trong màu sắc : Các màu sắc có các ý nghĩa khác nhau và mỗi một màu có khả năng kích thích khác nhau tới trạng thái tinh thần, cảm giác và sự thay đổi các yếu tố khác trong cơ thể con người, thúc đẩy quá trình sản sinh ra các loại hormon trong cơ thể. Vì thế, các nhà khoa học đã khai thác tác động của màu sắc đối với sức khoẻ con người hay còn được biết đến với tên gọi liệu pháp sắc màu (Color Therapy). Với những màu sắc ưa thích, nó có thể khiến người mẹ cảm thấy thanh thản, thư giãn, hoặc cảm thấy được kích thích, cơ thể như được tiếp thêm năng lượng, não bộ trở nên hoạt động tích cực hơn, hoặc giúp giải tỏa căng thẳng, giải tỏa nỗi đau đớn hay cũng có thể có cảm giác dễ ngủ hơn…
Ví như không gian với màu xanh da trời và màu vàng sẽ giúp kích thích não bộ cho người mẹ đang có thai làm việc tại văn phòng trở nên năng động, tỉnh táo, tập trung và làm việc hiệu quả hơn. Khi nhìn vào màu vàng ta cũng dễ cười hơn vì nó kích hoạt việc sản sinh chất serotonin trong não, là chất mang lại cảm giác vui vẻ cho người mẹ.
Màu nữ tính như màu hồng có tác dụng khiến giữ bình tĩnh tốt, giảm cảm giác âu lo ở thai phụ. Tiến sĩ Alexander Schauss, giám đốc Viện Nghiên cứu sinh học xã hội và y tế ở Washington Hoa Kỳ, người đầu tiên phát hiện ra bóng râm giảm sự giận dữ và lo lắng, giải thích: “Một người rất khó để cố giận dữ trong không gian màu hồng.”
Không chỉ mang lại cảm giác bình yên cho tâm hồn, màu xanh lam còn có khả năng thúc đẩy não bộ sản sinh ra nhiều melatonin, chất hóa học đem đến cảm giác thư giãn, giúp người mẹ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Màu xanh lá giúp giảm bớt mệt mỏi. Các thai phụ nên đi dạo công viên, vườn cây hay trồng cây xanh trong vườn nhà, trang trí một vài đồ vật có màu xanh lá tại không gian ở và làm việc. Khi mắt bị đau nhức, mệt mỏi dễ dẫn đến hiện tượng đau đầu. Tuy nhiên, nếu mắt được tiếp xúc với màu xanh lá sau mỗi 10 phút làm việc thì những hiện tượng nói trên sẽ không xảy ra.
Ngon trong màu sắc: màu sắc thực phẩm góp phần thổi bừng tâm trạng. Việc kết hợp màu sắc thực phẩm trong thực đơn cũng giống như cách phối đồ trong thời trang: càng phù hợp, đúng cách thì tác dụng càng cao.
Các bà mẹ mang thai hãy biết ‘phối màu’ thông minh cho chế độ ăn uống hàng ngày để kích hoạt năng lượng cũng như điều hòa thư giãn cơ thể trong thời kỳ đặc biệt: ăn cho mình và cho bé yêu. Một bữa ăn đủ chất thường là một bữa ăn đa sắc-tất nhiên là sắc màu tự nhiên của thực phẩm, không phải màu … nhuộm!
Thực phẩm màu xanh sẽ xoa dịu và thanh lọc toàn bộ cơ thể, chữa chứng mất ngủ.
Muốn có sự khích lệ từ bên trong cơ thể, hãy để ý đến thức ăn có màu đỏ như cà chua, dâu tây.
Thực phẩm màu cam như cam, bí, cà rốt, lê, đào, táo giúp cân bằng cảm xúc và điều hòa huyết áp.