CÁCH TRẢ LỜI 1001 CÂU HỎI VÌ SAO CỦA CON THẬT ĐƠN GIẢN

Mỗi khi trẻ đặt câu hỏi “Vì sao?”, không ít bậc phụ huynh tỏ ra không quan tâm, cảm thấy phiền hà, hoặc chỉ đáp lại bằng vài từ qua loa. Điều đó dễ khiến trẻ dần mất đi sự nhiệt tình đặt câu hỏi, sự hứng thú tò mò khám phá thế giới xung quanh. Vậy, là cha mẹ, chúng ta nên trả lời 1001 câu hỏi “hóc búa” của các nhóc tì sao cho khéo?

Trẻ thông minh hơn nhờ 1001 câu hỏi vì sao

Những câu hỏi tuy non nớt của trẻ nhưng là cả quá trình tư duy: cảm nhận 5 giác qua kết hợp xử lý não bộ, kết nối dữ kiện, dùng ngôn ngữ biểu đạt thành câu hỏi…

-Tại sao hoa cũng có cánh như chim nhưng không bay được?

-Tại sao không gọi là thứ 8 mà phải là chủ nhật?…

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra: Trung bình trẻ học được 81 từ mỗi ngày trước khi lên 2 tuổi. Việc hỏi nhiều là dấu hiệu tốt cho sự phát triển tư duy sáng tạo mạnh mẽ. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm, định hướng tạo thói quen hỏi nhiều cho trẻ.

Mẹo trả lời những câu hỏi của con

Wow Art đưa ra những gợi ý sau giúp bố mẹ dễ dàng giải đáp 1001 câu hỏi tại sao của bé:

1. Khuyến khích trẻ

Đầu tiên, bố mẹ nên khuyến khích trẻ hỏi bằng một số câu nói khích lệ: “Đây là câu hỏi hay, con có rất nhiều ý tưởng đấy!” hoặc “Con cứ hỏi, bố/mẹ sẽ sẵn sàng giải đáp”.

Ở giai đoạn trẻ bắt đầu quan sát và học hỏi, bố mẹ cũng có thể hỏi con những câu như “Con chó có khóc vì buồn không?”, “Cây uống nước ở đâu?”… Không phải “thử thách” sự hiểu biết, mà là để tạo cho con hứng thú và tâm lý sẵn sàng.

2. Luôn là người hướng dẫn trẻ

Các phụ huynh cũng cần xét đến trình độ nhận thức của trẻ để có cách trả lời dễ hiểu nhất. Bố mẹ nên có những cách thức trả lời khác nhau với các câu hỏi khác nhau

  • Các câu hỏi thông thường: Trả lời đơn giản, dễ hiểu

Bố mẹ nên đưa ra câu trả lời đơn giản, rõ ràng đối với các câu hỏi về tự nhiên, kiến thức chung. Ví dụ, khi con hỏi tại sao những chiếc lá phát ra âm thanh, có thể nói: “Khi gió thổi, những chiếc lá cọ vào nhau và chúng sẽ phát ra âm thanh”, thay vì “Hôm nay chiếc lá rất vui, nó đang hát”. Mục tiêu khi trả lời câu hỏi cho những vấn đề trẻ chưa có khái niệm căn bản là giúp trẻ nhận biết thế giới. Trí tưởng tượng của con sẽ được khai phá thông qua các hoạt động âm nhạc, vẽ tranh… sau khi con đã có vốn hiểu biết nhất định về cuộc sống.

Nguyên tắc cơ bản trong quá trình dạy con: đi từ căn bản, dễ hiểu đến bồi đắp trí tuệ sáng tạo cho trẻ bằng nghệ thuật
  • Các câu hỏi khó hơn: Mẹo “tùy cơ ứng biến”

Một là bố mẹ biết nhưng chưa rõ cách trả lời sao cho con dễ hiểu, hai là bố mẹ không biết câu trả lời. Với 2 tình huống trên, sử dụng cách “Mình cùng hỏi chuyên gia nhé” sẽ gây tò mò, háo hức cho trẻ. Bố mẹ nên tra cứu thông tin và sau đó giải đáp cho trẻ thật dễ hiểu. Hoặc bố mẹ có thể tận dụng cơ hội này hướng dẫn trẻ tự đọc sách, tìm kiếm nguồn thông tin xác thực… để chủ động tìm câu trả lời.

Dùng sách ảnh, tranh vẽ… chứa nội dung con hỏi: Vừa giúp bố mẹ có thời gian chuẩn bị kỹ câu trả lời, vừa xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng tìm kiếm thông tin cho trẻ

Bố mẹ nên áp dụng cách “Mình cùng khám phá nhé” với 1001 câu hỏi cần một quá trình quan sát trước khi trả lời. Ví dụ: “Con kiến ​​muốn chuyển gạo đến đâu?”, bố mẹ có thể cùng con quan sát thực tế kết hợp chiêm nghiệm sẽ khiến con ghi nhớ câu trả lời rất lâu.

Khi câu trả lời không thỏa mãn mong muốn, bé sẽ hỏi đi hỏi lại cùng một câu. Bố mẹ có thể hỏi ngược lại: “Con nghĩ gì?”, “Con thấy có đúng không?”…, để khuyến khích con bày tỏ ý kiến riêng, từ đó điều chỉnh câu trả lời của bố mẹ.

Với mỗi thắc mắc của con, bố mẹ đừng vội trả lời ngay vì sẽ hình thành tâm lý ỷ lại, lười suy nghĩ cho trẻ. Thay vào đó, việc đặt câu hỏi ngược: “Con tự nghĩ nhé, mẹ không biết” hoặc “Theo con thì tại sao như vậy?” khiến con sẽ tự tư duy và học hỏi.

Việc đặt câu hỏi ngược giúp trẻ chủ động tìm kiếm câu trả lời thay vì dựa dẫm vào “cổng thông tin” bố mẹ

Đôi khi, trẻ có thể đặt một “cái bẫy” dưới dạng câu hỏi. Ví dụ, khi không muốn đi ngủ, con có thể hỏi: “Mẹ ơi, tại sao con người lại muốn ngủ?”. Lúc này, bố mẹ chỉ cần nói: “Vì thời gian chơi đã hết. Nhanh đi ngủ thôi con”.

Đặc biệt, khi bé hỏi một số câu liên quan đến giới tính, bố mẹ có thể trả lời tùy theo tình huống. Nếu trẻ chỉ hỏi tình cờ và không thực sự muốn nghe câu trả lời, bố mẹ có thể trì hoãn. Nhưng nếu trẻ thực sự muốn biết, bố mẹ có thể sử dụng hình ảnh, câu chuyện, sách tranh… để dẫn dắt, “vẽ đường cho hươu chạy”.

3. Lưu ý: Đừng phớt lờ trước 1001 câu hỏi của con

Thực tế, nhiều phụ huynh phản ứng không tích cực khi nghe con liên tục hỏi “Tại sao?”: gạt phăng câu hỏi, quát mắng “Trẻ con biết gì mà hỏi!”, hoặc trả lời hời hợt, sai sự thật để trẻ không hỏi nữa. Điều đó vô tình dập tắt mong muốn tìm hiểu của trẻ, khiến trẻ ngại hỏi và đưa ra ý kiến.

Thay vào đó, bố mẹ nên khuyến khích trẻ hỏi 1001 câu hỏi vì sao nhiều hơn, chủ động hơn để con không ngừng học hỏi, phát huy năng lực trí tuệ sáng tạo. Thích suy nghĩ đặt câu hỏi mỗi ngày, đồng nghĩa với việc trí tưởng tượng, sự quan sát của trẻ đang dần được phát triển.

Wow Art hy vọng rằng, các bậc bố mẹ thông minh sẽ kiên nhẫn, biết cách truyền cảm hứng, kích thích sáng tạo và tạo hứng thú khám phá thế giới cho con trẻ mỗi ngày.