Vẽ tranh màu nước là hình thức bộc lộ tính cách tự nhiên của trẻ. Quan sát cách con lựa chọn nguyên liệu, đường nét, bố cục, màu sắc, thể hiện các chi tiết…, bố mẹ có thể hiểu được tính cách con, từ đó có những cách thức để phát triển cảm xúc tích cực cho con.
- Các giai đoạn phát triển khả năng vẽ của con
- Giai đoạn vẽ nguệch ngoạc (2-4 tuổi): Nét vẽ của trẻ chủ yếu là những nét nguệch ngoạc không có chủ đích lên giấy. Khi đặt bút vẽ, trẻ không có ý tưởng trước rằng mình sẽ vẽ gì; trẻ chỉ liên tưởng để tìm câu trả lời “hợp lý” sau khi vẽ xong.
- Giai đoạn Tiền hệ thống (4-7 tuổi): Bé vẽ tất cả những thứ đơn giản mình nhìn thấy hằng ngày: khuôn mặt người, nhà cửa, xe cộ, cây cối, động vật. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhà khoa học Luquet về Tiến trình phát triển khả năng vẽ của trẻ chỉ ra: Ở giai đoạn này, trẻ chưa biết cách tổ chức, sắp xếp cho bức tranh. Nếu bố mẹ chợt thấy con vẽ con chó có 2 chân to 2 chân nhỏ, bàn tay người chưa có ngón tay… cũng đừng ngạc nhiên quá nhé.
- Giai đoạn Hệ thống (7 tuổi trở lên): Đến thời điểm này, tranh màu nước của con đã có chiều sâu và chi tiết. Từ ngữ và ký hiệu có thể được trẻ đưa vào nhằm cung cấp thêm ngữ cảnh, ý nghĩa của tranh. Chẳng hạn, trẻ vẽ biển có thêm cá, vỏ sò, cá… “tất tần tật” những gì bé liên tưởng về “biển”; biết dùng ký hiệu chữ V thay cho cánh chim đang bay.
2. Ý nghĩa các hình ảnh phổ biến
- Nhân vật người: Trẻ sẽ vẽ các thành viên trong gia đình theo một thứ tự và kích thước cụ thể. Bé thường vẽ mình đứng bên cạnh người bé cảm thấy gần gũi nhất. Ngoài ra, biểu cảm trên những khuôn mặt trong tranh của con cũng nói lên cách con cảm nhận về các thành viên trong gia đình.
- Ánh nắng: Ông mặt trời đầy nắng thể hiện cảm xúc, tâm lý tích cực của con. Nhưng nếu mặt trời bị che lấp bởi mây, có thể trẻ đang gặp lo lắng và buồn bã.
- Nhà cửa: Các chi tiết thường thấy như cửa ra vào, cửa sổ, lối đi nói rằng con rất hạnh phúc về gia đình của mình. Việc vẽ nhiều cửa sổ có thể là sự cởi mở trong giao tiếp của trẻ; nhưng cũng có thể là trẻ muốn người khác nhìn thấy “những gì đang diễn ra trong nhà”.
- Quái vật: Theo Tiến sĩ tâm lý học Christopher Hastings, quái vật đại diện cho “thế lực mạnh mẽ”. Nếu trẻ vẽ chơi cho vui, đơn giản là con khao khát được mạnh mẽ. Nhưng nếu trẻ vẽ con quái vật khi được yêu cầu vẽ người, điều này thể hiện tâm lý tiêu cực khi bị đe dọa của con.
- Cầu vồng: Trẻ đang thể hiện thông điệp về cái nhìn cuộc sống vô cùng tích cực.
- Các chi tiết khác: Tranh màu nước càng nhiều chi tiết, càng thể hiện khả năng nhận biết sâu sắc, khả năng lột tả chi tiết tốt ở trẻ. Ví dụ, việc trẻ vẽ bố mình đeo kính hoặc mẹ mình có mái tóc xoăn cho thấy cách trẻ quan sát, phân biệt từng người như thế nào. Áp dụng tương tự cho cách con vẽ đồ vật trong nhà, cây cối, con vật…
3. Quá trình con vẽ cũng nói lên nhiều điều
- Chọn bút và khổ giấy: Trẻ cá tính, kiên quyết thích chọn bút vẽ có đầu lớn và đậm nét; còn trẻ e dè thường chọn bút vẽ đầu nhỏ, nét nhạt. Khổ giấy con chọn lớn chứng tỏ con muốn khẳng định bản thân, và khổ giấy nhỏ nói lên con có khả năng tập trung tốt.
- Đường nét: Trẻ cởi mở, thích nghi tốt thường có nét vẽ rõ ràng, đơn giản; trẻ rụt rè lại hay vẽ chồng nhiều nét, dùng thước kẻ cho thẳng. Đường cong hay thấy ở tranh của trẻ hiền lành, đường thẳng và góc cạnh thường xuất hiện ở trẻ hiếu động. Nét vẽ đều, ổn định thể hiện tâm lý vui vẻ, nhưng nét vẽ mạnh bạo hằn lên giấy cho thấy có thể con đang gặp vấn đề trong cuộc sống.
- Bố cục: Hình vẽ chỉ chiếm một góc nhỏ trên giấy nghĩa là bé cần được động viên, khích lệ hơn nữa để thêm tự tin, cởi mở. Hình vẽ lớn vừa phải, nằm giữa tờ giấy thể hiện tâm trạng hạnh phúc của con.
- Màu sắc: Được trẻ sử dụng như một sở thích cá nhân và thể hiện khiếu thẩm mỹ. Các bé có cảm xúc không ổn định thường dùng nhiều gam màu tối (nâu, xám, đen…); các bé sống trong tình cảm ấm áp lại chọn màu sắc vui nhộn, rực rỡ. Trẻ hướng nội ưa thích những màu trầm, trẻ hướng ngoại hay dùng gam màu sáng, ấm. Khi bé vẽ tranh màu nước, màu tràn ra ngoài đường viền hình vẽ phản ánh tính cách tự do, độc lập; nhưng màu luôn nằm gọn bên trong, thậm chí không chạm đến đường viền thì có thể bé hơi thiếu sự tự tin.
4. Dấu hiệu tiêu cực trong tranh của trẻ bố mẹ cần lưu ý
Nhà khoa học Koppitz đã phát hiện một số cảm xúc tiêu cực bố mẹ có thể dự đoán, phát hiện được khi xem tranh màu nước của con:
- Bốc đồng: kích thước nhân vật lớn, các bộ phận cơ thể thiếu liên kết, các chi bất đối xứng, không có cổ.
- Nóng nảy: tay và răng lớn, cánh tay dài, mắt xếch, để lộ phần nhạy cảm trên cơ thể.
- Lo lắng: nhân vật không có mắt, tay chân vẽ dính vào nhau; mây xám, mưa, chim bay.
- Nhút nhát: nhân vật kích thước nhỏ, cánh tay ngắn bám vào cơ thể, không có mũi hoặc miệng.
- Bất an: nhân vật quái dị, đứng nghiêng ngả, đầu nhỏ, thiếu tay hoặc chân.
Hy vọng rằng, với những cách đọc vị trẻ mà Wow Art chia sẻ, các phụ huynh có thể có những biện pháp để tạo ra môi trường tự do sáng tạo, hạnh phúc cho bé yêu của mình.
- Bố mẹ tham khảo khóa vẽ tranh màu nước sáng tạo: https://wowart.vn/lop-ve-thieu-nhi/
- Hotline: 0902 547 626
- Theo dõi hoạt động của lớp vẽ thiếu nhi Wow Art tại: https://www.facebook.com/wowart.vn/