7 cách để thúc đẩy sự sáng tạo cho các bé (P1)

Nhiều người cho rằng sáng tạo là một năng khiếu mà con họ có thể có hoặc không có: cũng giống như tất cả trẻ em sẽ không thể thông minh giống như nhau, vậy thì các bé cũng sẽ có sự sáng tạo không giống nhau. Nhưng trên thực tế, sáng tạo là một kỹ năng hơn là thiên phú, và đó là một kỹ năng cha mẹ có thể phát triển cho con mình.

Sáng tạo là chìa khóa để thành công trong gần như mọi thứ chúng ta làm, nó là một yếu tố quan trọng cho sức khỏe, niềm vui và là một kỹ năng cốt lõi để rèn luyện cho các bé. Sáng tạo không chỉ được bộc lộ trong mỹ thuật và âm nhạc, nó cũng rất cần thiết cho khoa học, toán học, và thậm chí cho xã hội và cảm xúc. Những người sáng tạo sẽ linh hoạt và giải quyết vấn đề tốt hơn, điều đó giúp họ có khả năng để thích ứng với sự tiến bộ công nghệ và đối phó với sự thay đổi – cũng như tận dụng các cơ hội mới.

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng chúng ta đã làm giảm sự phát triển của sáng tạo khi thay đổi những trải nghiệm trong thời thơ ấu của các bé. Các công nghệ cao cùng sản phẩm đồ chơi đã làm mất đi sự tưởng tượng của các bé. Các bé không còn phải tưởng tượng một cây gậy là một thanh kiếm trong một trò chơi hay một câu chuyện mà chúng tưởng tượng ra: chúng có thể chơi Chiến tranh giữa các vì sao với một thanh kiếm ánh sáng được làm rất chi tiết trong trang phục thiết kế cho nhân vật cụ thể mà chúng đang chơi.

Dưới đây là một số ý tưởng cho việc thúc đẩy sự sáng tạo ở con bạn:

1. Cung cấp các nguồn tài nguyên cần thiết để các bé có cơ hội thể hiện sự sáng tạo

Nguồn tài nguyên quan trọng ở đây là thời gian. Trẻ em cần rất nhiều thời gian để tạo ra những vở kịch mà không cần người lớn hướng dẫn, và diễn những vở kịch đó mà không phụ thuộc vào các đạo cụ hay trang phục đã được làm sẵn.

Không gian cũng là một thứ con bạn sẽ cần đến. Trừ khi bạn không quan tâm đến việc con bạn sẽ đảo lộn cả căn nhà trong quá trình sáng tạo của chúng, cung cấp cho các bé một vị trí cụ thể mà các bé có thể làm lộn xộn ở nơi đó, như căn phòng trên gác mái, một nơi trong kho để vẽ vời, hay một góc trong nhà để lắp ráp Legos.

Nếu có người hỏi gợi ý để tặng quà cho con bạn, hãy yêu cầu những thứ như vật liệu mỹ thuật, máy ảnh giá rẻ, các vật liệu để làm trang phục, vật liệu xây dựng. Đặt những món này trong thùng sao cho các bé có thể quản lý một cách dễ dàng.

2. Biến nhà của bạn thành một đĩa Petri thử nghiệm cho sự sáng tạo

Ngoài không gian sáng tạo, bạn cần phải nuôi dưỡng một môi trường sáng tạo.

Cố gắng khơi gợi thật nhiều các ý tưởng khác nhau từ bé, đồng thời bạn hãy cố gắng kiềm chế ham muốn đánh giá các ý tưởng của bé. Vào bữa ăn tối, ví dụ, bạn có thể thảo luận cùng nhau về hoạt động cho ngày cuối tuần sắp tới, khuyến khích các bé nghĩ đến những điều các bé chưa từng làm trước đây. Đừng chỉ ra ý tưởng nào đó là không thể, và cũng đừng quyết định ý tưởng nào là tốt nhất. Trọng tâm của những hoạt động sáng tạo là quá trình chứ không phải kết quả: tạo ra (chứ không phải đánh giá) các ý tưởng mới.

Khuyến khích các bé phạm sai lầm và thất bại. Đúng vậy, thất bại – những bé sợ thất bại và sự phán xét sẽ kiềm chế tư duy sáng tạo của mình. Chia sẻ những sai lầm bạn đã phạm phải gần đây, để các bé hiểu rằng bé có thể lầm lẫn.

Chào mừng sự đổi mới và sáng tạo. Phủ kín bức tường nhà bạn với nghệ thuật và những tác phẩm thể hiện sự sáng tạo khác. Kể với các bé tất cả họa sĩ, nhạc sĩ, và các nhà khoa học mà bạn yêu thích nhất. Chia sẻ niềm đam mê bạn dành cho kiến trúc hoặc chụp ảnh hay một ban nhạc mới. Nắm bắt công nghệ mới như Twitter để con bạn tìm thấy thú vị trong sự thay đổi, nhưng đừng để các bé quá chìm đắm.

Nguồn: http://greatergood.berkeley.edu
(Còn tiếp)