Bài Học Vẽ Đầu Tiên Cho Trẻ Nhỏ

Một phần sức hút của nghệ thuật đó là cho phép con người tự do vượt khỏi những khuôn phép và quy tắc thường ngày. Vậy nên bạn cần đảm bảo rằng những bài học vẽ không chiếm dụng quá nhiều thời gian vui chơi của bé mà vẫn khiến bé thích thú. Những bài học vẽ này có thể bao gồm trong những hoạt động thường ngày như: quan sát các màu sắc trong tự nhiên, vẽ nguệch ngoạc trên nền đất, tường nhà…

Dưới đây là những gợi ý những bài học vẽ cho bé một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.

Quan sát hình dạng vật thể xung quanh:

– Dành cho trẻ khoảng 5 tuổi

Bạn cần: một vật thể hình trụ (ví dụ như ly nước) và một vật thể hình chữ nhật (ví dụ như một cái hộp).

Mục đích của bài học này là để dạy trẻ biết được rằng có nhiều cách để vẽ một vật thể, tùy theo góc quan sát của ta lúc ấy. Hãy bắt đầu bằng cách thảo luận với trẻ. Ví dụ ngồi cạnh trẻ, cầm chiếc cốc và cho bé thấy đáy cốc. Hỏi bé thấy chiếc cốc có hình gì. “Hình tròn”. Bé sẽ trả lời như vậy. Bây giờ hãy yêu cầu trẻ nhìn gần vào vòng tròn và nghiêng dần cho đến khi bé nhìn thấy hình Elllipse.

“Bây giờ con nhìn thấy hình gì?” “Hình… tròn ạ?” “Con có chắc không? Nhìn này, trông giống hình tròn nhưng dẹp và dài hơn đúng không?”

Thực hành tương tự với chiếc hộp để giúp bé quan sát sự thay đổi hình dáng khi xoay nó.

Quan sát màu sắc xung quanh:
Dành cho trẻ khoảng 5 tuổi

Bạn cần: Những vật thể rắn có màu và một nguồn sáng có thể điều chỉnh (như đèn pin chẳng hạn) để giúp bé phân biệt sự khác nhau giữa sáng và tối.

Giống như bài học ở trên, bạn cũng cần nói chuyện với trẻ để giúp bé nhận ra sự khác biệt giữa kiến thức và thực tế. Cho trẻ xem vật thể bạn đã chuẩn bị, và hỏi về màu của vật thể đó. Thay đổi ánh sáng, góc độ và cho trẻ thấy sự thay đổi về màu theo sáng tối.

Quan sát bố cảnh:
Trẻ em ở tất cả các lứa tuổi

Khi du lịch trong xe, đi dạo, hãy chú ý chỉ cho trẻ thấy thế nào là cận cảnh, cảnh xa, cảnh nền…
Nắm lấy cơ hội này để chỉ cho bé thấy:
• Một vật thể thay đổi như thế nào khi nhìn gần và nhìn xa.
• Màu sắc thay đổi ra sao từ xa tới gần.
• Khoảng cách làm vật thể trông mờ hơn.
• Khoảng cách gần làm vật thể trông chi tiết hơn.