Bài tập thực hành “Sáng tạo không áp đặt”

BÀI TẬP ỨNG DỤNG SÁCH “SÁNG TẠO KHÔNG ÁP ĐẶT”

BÀI TẬP CHƯƠNG 1:

Bài tập 1.1: Liệt kê 5 thứ bạn yêu thích (Ví dụ: tuyết, bánh ngọt, vẹt, hoa cúc, chơi trống) và cách thức để bạn chia sẻ những điều này với con.

Bài tập 1.2: Nghĩ về 5 chuyến đi chơi cùng bạn bè làm bạn cảm thấy thú vị và 5 cuộc phiêu lưu bạn có thể thực hiện cùng con mình. Đồng thời thử tìm cách để kết hợp những ý tưởng này lại với nhau.

Bài tập 1.3: Hãy lập danh sách bạn bè cho “Vòng an toàn”. Gọi cho vài người trong số họ, dù chỉ vài phút ngắn ngủi.

Bài tập 1.4: Hãy liệt kê 10 thứ “phù phiếm” mà bạn từ chối thực hiện do “không có thời gian”. Sau đó chọn 1 trong 10 điều trên rồi dành ra khoảng 15’ trong ngày cho nó.

Bài tập 1.5: Bước ra ngoài bầu không khí trong lành và thực hiện một chuyến đi dạo nhẹ nhàng, thư giãn. Hãy để bản thân hòa vào phong cảnh và âm thanh xung quanh. Khi hoàn thành, lấy giấy và bút viết ra những suy nghĩ xuất hiện khi bạn đi dạo.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 2:

Bài tập 2.1: Hãy liệt kê và ghi lại 5 trò vui thời thơ ấu và chọn những kỷ niệm đầy niềm vui. Cảm xúc lúc đó của bạn như thế nào, tự do, cởi mở hay an toàn? Sau đó chọn 1 trong những hoạt động này và tạo không gian cho trẻ làm điều tương tự.

Bài tập 2.2: Hãy tìm kiếm và liệt kê 3 “nguyên liệu thô” có sẵn trong nhà bạn. Cho trẻ 1 trong số 3 nguyên liệu trên và quan sát xem con có thể làm được gì từ đó.

Bài tập 2.3: Hãy liệt kê 5 sở thích của bạn và 5 sở thích của trẻ mà bạn không có. Bạn có phương pháp nào để con duy trì và phát huy tiềm năng với những sở thích đó hay không?

Bài tập 2.4: Cùng trẻ lựa chọn vật liệu đơn giản như giấy, que, LEGO,… và chế tạo búp bê. Hãy hỏi trẻ về tên, tuổi, nơi ở,… để tạo cho búp bê một lý lịch riêng. Khéo léo gợi mở cho trẻ kể chuyện về búp bê và lắng nghe với thái độ thích thú. Thông qua câu chuyện về búp bê, trẻ sẽ bày tỏ những suy nghĩ, ước mơ và sở thích của mình.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 3:

Bài tập 3.1: Liệt kê 5 địa điểm trẻ có thể tiếp xúc với hệ thực vật, sân vườn, công viên,… Thậm chí, bạn có thể thông qua sách vở để chỉ cho trẻ những loại cây, hoa với màu sắc, hình dáng khác nhau.

Bài tập 3.2: Liệt kê 5 con vật yêu thích của bạn và yêu cầu trẻ làm điều tương tự. Tìm cách để con tương tác với 1 trong 5 con vật. Sau đó yêu cầu con viết hoặc vẽ về trải nghiệm này.

Bài tập 3.3: Hãy cùng trẻ đi dạo đến 1 địa điểm đã định sẵn. Đó có thể là trung tâm thương mại, công viên hoặc con đường gần nhà. Cố gắng chia sẻ với con một cách thoải mái theo từng bước chân.

Bài tập 3.4: Hãy cùng con thay phiên liệt kê những điều biết ơn và lập danh sách. Sau đó, chọn một điều mà bạn đã liệt kê và yêu cầu trẻ cũng làm như vậy. Gợi ý cho con sáng tạo từ điều đó bằng cách vẽ lại kỉ niệm, sáng tác một bài thơ.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 4:

Bài tập 4.1: Hãy lập danh sách 5 tài lẻ của bạn và 5 tài lẻ ở con bạn. Bạn và con có những điểm chung hay không? Từ đó suy ngẫm và sắp xếp khuôn khổ thời gian phù hợp dành cho trẻ.

Bài tập 4.2: Trò chơi “72 giây thu dọn”. Hãy đếm nhịp để trẻ tự thu dọn đồ chơi của mình trong vòng 72 giây. Biến công việc dọn dẹp thành hoạt động vui chơi đối với bạn và trẻ.

Bài tập 4.3: Hãy tìm một nơi có khả năng trở thành địa điểm sáng tạo cho bạn và con. Không gian có thể nhỏ nhưng yếu tố cần chú ý để lựa chọn là sự yên tĩnh, riêng tư mà không gian mang lại cho gia đình bạn.

Bài tập 4.4: Cùng trẻ tạo ra sự bừa bộn. Sau khi vui đùa, hãy dọn dẹp trong khoảng thời gian từ 5 – 10 phút. Nỗ lực để tạo cho chính bản thân ta và trẻ suy nghĩ rằng dọn dẹp không hề đáng sợ. Đó là một phần trong quá trình thú vị mà bạn và con có thể thoải mái vui đùa cùng nhau.

Bài tập 4.5: Hãy liệt kê những tình huống khiến bạn thấy cảm kích. Nếu trẻ đã đủ lớn, gợi ý cho con thực hiện bài tập này. Tìm cơ hội để đối xử với người nào đó bằng sự quan tâm, tử tế, như cách mà bạn muốn được đối xử.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 5:

Bài tập 5.1: Hãy tạo một “góc sáng tạo” với đầy đủ những vật dụng gợi cảm hứng – nút bần, đồng xu, keo,… “Góc sáng tạo” có thể là một chiếc hộp hay kệ tủ, có khả năng lấp đầy trí tưởng tượng của con bạn.

Bài tập 5.2: Hãy kể cho con bạn nghe 1 câu chuyện, rút ra từ cuộc sống của bạn hoặc người khác. Sau khi kể xong, hãy yêu cầu con bạn kể 1 câu chuyện khác. Trong lúc con kể, hãy chăm chú lắng nghe. Hãy cởi mở với sự kỳ diệu từ câu chuyện của trẻ.

Bài tập 5.3: Hãy liệt kê 5 hoạt động sáng tạo đơn giản mà bạn có thể thử (ví dụ: Vẽ, viết, làm thơ…) và liệt kê 5 hoạt động tương tự con bạn có thể làm. Chọn 1 hoạt động trong danh sách của bạn và 1 hoạt động bên danh sách của con và thực hiện cùng nhau.

Bài tập 5.4: Hãy chọn một khoảnh khắc, một hoạt động hay một tác phẩm nghệ thuật để lưu giữ. Cho phép con bạn tự chụp hình và chọn ra những khoảnh khắc sẽ tồn tại mãi mãi. Thường xuyên cùng con ôn lại kỉ niệm thông qua các bức ảnh đã lưu giữ.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 6:

Bài tập 6.1: Hãy điền 5 điều bắt đầu bằng “Tôi có thể…”. Nếu trẻ đủ lớn để nói cho bạn biết là chúng chán, bạn hãy rủ trẻ tham gia cùng trong bài tập này. Dùng nhiều ý tưởng đa dạng để kiềm chế phần tâm trí luôn muốn xem xét lại mọi thứ có trong con người chúng ta.

Bài tập 6.2: Hãy lập danh sách 5 hoạt động khiến bạn chán nhất. Với mỗi hoạt động, hãy nghĩ cách tạo ra 1 niềm vui. Cùng trẻ thực hiện và tận hưởng điều thú vị vô cùng mới mẻ mà hoạt động này mang lại.

Bài tập 6.3: Đặt ra một số mục tiêu sáng tạo cho trẻ. Khi trẻ hoàn thành từng bước nhỏ (Ví dụ: quét nhà, rửa bát,…) hãy thưởng cho trẻ 5 hay 10 nghìn đồng.

Bài tập 6.4: Chọn một công thức bạn có thể cùng con nấu. Hãy cùng con thực hiện từ quy trình mua nguyên liệu đến dọn dẹp. Ghi nhớ những cảm xúc bạn và trẻ cùng có được khi thưởng thức bữa ăn và dành cho trẻ lời động viên, khích lệ.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 7:

Bài tập 7.1: Điền vào chỗ trống: Nghệ sĩ là… Đây là bài tập thăm dò để bạn nhận thức rõ hơn về niềm tin mặc định của bản thân đối với giới nghệ sĩ và nghệ thuật nói chung. Bạn sẽ nắm rõ hơn về giá trị của sự sáng tạo để giao tiếp cùng con.

Bài tập 7.2: Chọn ngay 1 cuốn sách bạn rất muốn đọc nhưng chưa có thời gian. Bạn và trẻ cùng đọc cuốn sách này. Bạn sẽ kết nối với con thông qua hoạt động chung.

Bài tập 7.3: Hãy nghe nhạc bằng bất cứ thiết bị nào mà bạn chọn, nghe những thể loại thậm chí bạn chưa bao giờ thử trước đó cùng với con. Với mỗi thể loại, hãy hỏi cảm nghĩ của trẻ và trình bày suy nghĩ của bạn. Mục đích là cung cấp kiến thức, tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc.

Bài tập 7.4: Hãy để trẻ biểu diễn nghệ thuật cho bạn xem. Cố gắng khích lệ, khen ngợi trẻ.

Bài tập 7.5: Hãy thử kể một câu chuyện cho trẻ nghe. Nội dung có thể dài hay ngắn, hoặc đến từ chính gợi ý do trẻ đưa ra. Khi bạn kể xong, hãy yêu cầu trẻ kể cho bạn nghe một câu chuyện và suy ngẫm thật kĩ câu chuyện đó.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 8:

Bài tập 8.1: Hãy dành ra buổi tối và tắt hết tất cả các thiết bị điện tử: điện thoại di động, ti vi, máy tính,… Quy tắc duy nhất trong buổi tối đó là không tiếp xúc với bất kỳ thiết bị điện tử nào.

Bài tập 8.2: Hãy viết ra giấy những điều bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của mình.

Bài tập 8.3: Hãy tìm một thay đổi nhỏ mà bạn có thể thực hiện trong phòng ngủ của mình và một thay đổi nhỏ mà bạn có thể làm đối với phòng ngủ của trẻ.

Bài tập 8.4: Liệt kê những nghi thức thời thơ ấu mang lại nhiều niềm vui nhất cho bạn. Bạn có thể mang những trải nghiệm yêu thích thời thơ ấu vào cuộc sống của trẻ hay không?

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 9:

Bài tập 9.1: Hãy thử làm gương về sự không hoàn hảo cho trẻ. Chọn một việc gì đó bạn không thể làm một cách hoàn hảo dưới sự quan sát của trẻ. Sau đó hãy tạo điều kiện để trẻ thử tham gia bất kỳ một hoạt động sáng tạo nào trẻ chưa từng trải nghiệm trước đây. Hãy cho phép trẻ được phép sai khi thực hiện.

Bài tập 9.2: Điền vào chỗ trống “Nếu tôi để bản thân mình thừa nhận, tôi cảm thấy …”.

Bài tập 9.3: Hãy chọn một hoạt động nào đó mà trẻ giỏi hơn bạn, rồi yêu cầu trẻ hướng dẫn bạn thực hiện. Động viên, khích lệ trẻ với thái độ tích cực.

Bài tập 9.4: Điền vào chỗ trống:

+ Tôi cảm thấy xấu hổ khi …

+ Người làm tôi thấy xấu hổ là …

+ Khi tôi cố làm ai đó xấu hổ, tôi nghĩ nguyên nhân là vì …

+ Tôi có thể giúp mình phục hồi sau lời phê bình bằng cách …

+ Tôi có thể giúp con mình phục hồi sau lời phê bình bằng cách …

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 10:

Bài tập 10.1: Hãy nghĩ đến điều mà mình thật sự mong muốn. Ham muốn về danh vọng khiến chúng ta lãng phí thời gian vào những việc không liên quan đến mình, vào những thứ mà chúng ta không bao giờ cảm thấy “đủ”. Để lập danh sách điều ước rất đơn giản, bạn chỉ cần hoàn thành câu nói “Tôi ước rằng…” hai mươi lăm lần.

Bài tập 10.2: Điền vào chỗ trống sau:

+ Tôi bị mất tập trung bởi…

+ Vì anh/cô ấy là…

+ Tôi nghĩ rằng hành động tôi đang lẩn tránh trong cuộc sống của mình là…

Bài tập 10.3: Chỉ định các anh chị em tặng quà cho nhau. Nếu trẻ là con một, hãy cùng con lựa chọn một người nào đó mà cả hai cùng muốn tặng quà.

Bài tập 10.4: Tổ chức một cuộc phiêu lưu gia đình với mục tiêu duy nhất là niềm vui. Chuyến đi này nên khuyến khích hoạt động thể chất và vui chơi. Sau khi hoàn thành chuyến đi, bạn và trẻ sẽ thấy phục hồi và tập trung hơn.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 11:

Bài tập 11.1: Thử thách “Làm tranh cắt dán”. Hãy thu thập tạp chí cũ, chuẩn bị kéo, hồ dán và nhiều tờ giấy cứng khổ lớn để các thành viên chọn ra được một hình ảnh nói lên suy nghĩ của bản thân và sắp xếp theo cách mà thành viên đó thích. Khi hoàn thành, hãy để mỗi người tự “kể chuyện” về bức tranh của mình.

Bài tập 11.2: Hãy tạo ra một “ngày đảo ngược”, là một dịp vui hằng năm cho trẻ. Hãy để trẻ tham gia lập thực đơn cho ngày hôm đó. Bạn không cần để tâm tới các nguyên tắc dinh dưỡng trong lúc đi siêu thị cùng con.

Bài tập 11.3: Tạo ra những nguyên tắc tích cực trong gia đình sẽ tạo ra tinh thần hợp tác và tự lập. Hãy cho phép bản thân được vui chơi một chút.

Bài tập 11.4: Hãy cùng con tham gia một trò chơi bạn từng tham gia khi còn nhỏ.

 

 

BÀI TẬP CHƯƠNG 12:

Bài tập 12.1: Hãy dành chút thời gian để soi mình trong những Tấm gương tin tưởng mà bạn có:

+ Tấm gương tin tưởng của tôi là …

+ Người đó cho tôi thấy rằng mình …

Bây giờ hãy nghĩ đến môi trường xung quanh con bạn. Con bạn đã có Tấm gương tin tưởng nào chưa? Bạn có thể mời thêm ai làm Tấm gương tin tưởng cho con mình?

Bài tập 12.2: Hãy tìm cơ hội mà con bạn có thể giúp đỡ người khác làm việc cụ thể nào đó. Hãy để con biết mình có thể tự chọn cách thức giúp đỡ người khác. Khi con hoàn thành, hãy hỏi cảm nhận của con.

Bài tập 12.3: Hãy viết một lời nguyện cầu, có thể ngắn, có thể dài, trang trọng hoặc bình thường. Hãy tìm đến Chúa như tìm đến một người bạn tốt. Lời nguyện cầu chỉ dành cho bạn, chính bạn mà thôi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Add your thoughts

Your email address will not be published. Required fields are marked *